Malaysia và Indonesia tăng cường hợp tác Thương mại Halal
Theo trang tin Bernama, Malaysia đang tích cực thúc đẩy quan hệ thương mại Halal với Indonesia, với giá trị thương mại song phương dự kiến đạt 25-26 tỷ USD vào năm 2024. Đây là một bước đi quan trọng nhằm khai thác tiềm năng lớn của thị trường Halal tại Đông Nam Á, đặc biệt là tại Indonesia – quốc gia sở hữu thị trường Halal lớn nhất khu vực và đứng thứ 7 toàn cầu về tiêu thụ sản phẩm Halal.
Để thâm nhập vào thị trường Indonesia, các doanh nghiệp Malaysia cần tuân thủ các tiêu chuẩn chứng nhận Halal từ BPOM (Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia) và BPJPH (Cơ quan Quản lý Halal Indonesia). Cùng với đó, các tổ chức như MATRADE (Cơ quan Phát triển Thương mại Malaysia) và JAKIM (Cơ quan Phát triển Hồi giáo Malaysia) đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan phía Indonesia để cải thiện quy trình chứng nhận, giúp các doanh nghiệp Malaysia mở rộng thị trường và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng Halal tại Indonesia.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: CM)
ASEAN Thành lập Ban Thư ký Halal
Theo Selangor Journal, các nước ASEAN đã chính thức thành lập Ban Thư ký Halal nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp Halal trong khu vực. Ban Thư ký sẽ đóng vai trò điều phối các nỗ lực hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN, với mục tiêu tăng cường đóng góp kinh tế của ngành Halal và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng.
Việc thành lập Ban Thư ký Halal đánh dấu một bước phát triển mới của ngành Halal tại Đông Nam Á, hướng tới một cách tiếp cận thống nhất, hiệu quả và mang tính hợp tác hơn giữa các nền kinh tế trong khu vực. Thông qua hoạt động của Ban Thư ký, các nước ASEAN được kỳ vọng sẽ đồng bộ hóa quy trình chứng nhận Halal, giảm thiểu các thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường Halal quốc tế. Động thái này phù hợp với chiến lược của ASEAN về “Một Tầm nhìn, Một Bản sắc, Một Cộng đồng.”
Các đại biểu tham dự Đối thoại bàn tròn Halal ASEAN tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia ngày 7/12. (Nguồn: Bernama)
Một trong những chức năng chính của Ban Thư ký Halal ASEAN là tiêu chuẩn hóa quy trình chứng nhận Halal, bảo đảm tính nhất quán trong các tiêu chuẩn chất lượng và giảm thiểu sự chồng chéo trong việc cấp chứng nhận Halal. Theo Thứ trưởng phụ trách Tôn giáo Malaysia, ông Zulkifli Hasan, Ban Thư ký ASEAN sẽ đóng vai trò xúc tác trong việc phát triển ngành Halal ở cấp độ từng nền kinh tế và trên toàn khu vực. Thông qua cơ chế này, Malaysia sẽ chia sẻ các thông lệ tốt nhất trong phát triển ngành Halal với các nước đối tác ASEAN, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của ngành Halal trong khu vực.
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei Darussalam
Biên tập: Hồng Quân – Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia